RSS

Monthly Archives: Tháng Ba 2013

Người đàn ông

MƯỜI LẺ MỘT ĐÊM

TÁC GIẢ : HỒ ANH THÁI

MƯỜI LẺ MỘT ĐÊM ( Bấm vào đây để xem những phần đầu của truyện )

IV /  NGƯỜI ĐÀN ÔNG 

NHÀ PHÊ BÌNH NGHỆ THUẬT MỞ DỊCH VỤ HÙNG BIỆN 

1.

Trong những năm đứt liên lạc, anh sống ra sao?

Dứt khoát cô đã hỏi câu ấy. Tám ngày bảy đêm bị nhốt trong căn hộ quá đủ thời gian cho cô  hỏi  câu ấy.  Quá  đủ  cho  anh  thổ  lộ  trần  tình.  Quá  đủ  cho  họ  không  chỉ  nói  chuyện người khác mà còn nói về nhau.

Những năm ấy anh sống ra sao?

Anh cắp cô nhân tình vào Sài Gòn. Lập ra một công ty du lịch. Một công ty đầu não mà văn phòng mở ở Hà Nội trước đó chỉ còn là chi nhánh. Dù có nói là du lịch rác du lịch bụi, tức là đi đâu cũng hít bụi, thì du lịch vẫn là niềm say mê của con người. Đi. Đi là chết ở trong lòng một ít. Vẫn đi. Ngồi tịt một chỗ chết nhiều hơn. Những chuyến Bắc vào Nam, Nam ra Bắc, xuôi nuôi ngược, ngược được xuôi, Đông Tây sang lẫn nhau. Những đàn kiến rùng rùng bò ngứa ngáy khắp cơ thể đất nước. Trước đó anh đã dựng những nếp nhà sàn trên mấy quả đồi. Nhà xây rất đẹp rất khéo rất vệ sinh. Đám Tây du lịch bụi mê mẩn mấy đồi chè đồi mận đồi đào cứ đòi ở lại. Thì cho ở. Thế là thành điểm du lịch. Không sang sửa tô vẽ lòe loẹt mà tạo cảm giác tự nhiên hoang sơ, đứa nào thích thì ở. Thế mà nhiều đứa vào ở. Lại có ý thức giữ cái hoang sơ. Rác không vứt bừa bãi mà có nhiều thùng rác cho chúng vứt. Nhỡ có cái túi ni lông cái vỏ chai lon kim loại văng ra là có nhân viên nhặt ngay. Tây thấy càng sạch càng rẽ vào ở lại. Điểm du lịch đầu tiên của anh thắng lớn. Ngay tại nhà.

Anh lập đầu mối du lịch ở Hà Nội. Thuê ngay địa điểm một quán rượu suông nức tiếng từ những năm 1960 làm nơi giao dịch. Ông chủ quán là một người không hiểu gì về văn nghệ nhưng rượu của ông hút đám văn nghệ. Quán còn nhiều trang lưu bút của đám thơ văn, nhiều bản thảo ca khúc của đám nhạc, nhiều bức tranh của đám họa. Có người uống chịu cắm nợ mãi đem tranh đem bản nhạc đến tặng. Rượu đổi lấy thơ lấy nhạc lấy tranh. Rượu suông vì quán ông độc đáo không ăn mặn. Chỉ mấy hạt lạc rang húng lìu hương vị không đâu có. Sau này có thêm mấy cái đồ khô mấy hạt điều. Thanh tao hút cái thanh tao. Khách đến uống rượu ông ngày trước còn đang khuất chìm sau này đều thành những tên tuổi rường cột của văn nghệ nước nhà. Ông chủ quán nay đã bảy mươi bỗng nhiên sở hữu một tài sản lớn. Ông vừa mới lấy vợ. Bà vợ già mất mấy năm rồi. Con cái ông đều có gia đình riêng. Ông cưới ngay một cô hăm hai tuổi ở quê ra làm bưng bê cho quán. Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Ông nêu lý do vậy. Mọi người xung quanh cũng nghĩ vậy. Vợ trẻ chồng già đầu gối tay ấp an ủi nhau thôi chứ còn tòm tem gì nữa đâu. Ai cũng nghĩ vậy.

Nhưng mà không phải vậy. Anh mới mở điểm giao dịch du lịch tại quán của ông thì đã bao nhiêu lần phải đầm đìa mồ hôi vì kìm nén. Cô vợ trẻ của ông vẫn không ra dáng bà chủ mà còn nguyên quán tính cô tiếp viên. Đi qua nó nguýt anh một cái đi lại nó liếc anh một  cái.  Sắc  như  dao.  Dao  cứa  làm  anh  giật  thót.  Nó  buông  lời  đưa  đẩy  tung  hứng. Không phải là anh không thích nó. Chỉ cần hất cằm ra hiệu cho nó vào phòng làm việc của anh là xong. Nhiều lần anh đã tưởng tượng ra chuyện anh với nó ở trong phòng làm việc. Chỉ tưởng tượng thế mà mồ hôi vã ra đầm đìa. Căng thẳng kiềm chế. Cô chủ không biết được anh đang tự chiến đấu với mình khốn khổ thế nào. Cô ta vẫn đong đưa lúng liếng. Ở nơi khác thì cô chết với anh rồi. Nhưng anh đang muốn làm ăn nghiêm chỉnh ở đây. Làm ăn lâu dài. Chỗ làm thì đừng chơi chỗ chơi thì đừng làm. Đây là chỗ làm. Chớ có dại mà chơi bời ở đây. Sẽ không thể trụ được lâu.

Anh chưa biết có giải pháp nào cho cảnh ngộ trớ trêu. Không thể nói riêng với cô ta rằng anh bất lực. Nói thế chỉ càng kích cho cô ta say mồi, cô ta lại càng điên cuồng muốn đích thân khám phá sự thật. Không thể mách với ông chủ. Ông sẽ tưởng anh muốn tống tiền và việc đầu tiên là ông tống anh ra khỏi cửa. Cô chủ gốc gác quê mùa sẽ vu khống là anh định sàm sỡ cô ta mà không được. Nhưng nếu anh im lặng thì không biết bao nhiêu lần anh   phải   toát   mồ   hôi   nữa.   Rồi   nhất   định   sẽ   có   lúc   anh   bị   cô   ta   đánh   gục. Nan giải. Không biết giãi bày cùng ai để vơi nhẹ để nghe ý kiến. Thì đột ngột ông chủ gọi anh lên phòng ông ở trên gác. Ông bảo để nói chuyện đàn ông với nhau. Có một điều gì đó khác thường. Anh linh cảm chuyện này liên quan đến cô chủ trẻ. Rất có thể không đạt được ý đồ, cô ta đã vu vạ gì đó cho anh.

Anh không phải chờ lâu. Ông chủ vào chuyện ngay. Thẳng thắn. Ông bảo ông thèm xem tivi màu. Bây giờ đâu đâu cũng chỉ có tivi màu, nhà ông cũng mỗi phòng một cái tivi, thành ra câu nói của ông không thể hiểu sai được. Tivi màu là tiếng lóng bình dân chỉ việc nhìn trộm qua lỗ khóa xem trộm chuyện phòng ngủ. Dâm. Cái dâm còn ở tay chân xúc giác cầm nắm sờ soạng. Cái dâm còn ở trong tai, có người chỉ thích nghe phần âm thanh trong những băng đĩa sex. Cái dâm còn ở trong mắt, có người chỉ thích xem phim. Cũng là ở mắt nhưng có người thích nhìn trộm xem trực tiếp. Ông chủ không nhìn trộm nhưng muốn xem trực tiếp. Ông mời anh cứ việc hành sự ngay ở đây. Ngay trong phòng ông. Có cô chủ đấy. Ông nói thật là ông lấy cô ta mà không làm được gì cho cô ta. Vợ chồng chỉ đúng nghĩa là cơm bưng nước rót. Ngoài ra thì hoàn toàn chay tịnh. Không hoàn toàn, ông cũng có dâm tay dâm mắt nhưng cô ta vẫn chỉ là bánh chưa bóc mỏ chưa khơi.

Ai có thể từ chối một lời mời như vậy? Chỉ có anh. Chỗ làm thì đừng chơi chỗ chơi thì đừng làm. Chơi rồi thì mai đây chỗ này biến thành chỗ chơi không làm ăn gì được nữa. Cái đứa mình chỉ chơi sẽ nhảy lên làm bà chủ của mình, ngang nhiên can thiệp vào công việc của mình, ngang nhiên nói năng ngang hàng với đối tác của mình. Bao nhiêu người đã làm ăn lụn bại vì sử dụng kẻ chơi thành kẻ làm chủ.

Anh vái ông chủ ngang tuổi bố anh. Anh cảm ơn. Anh xin lỗi. Cũng thẳng thắn nói cho ông biết cái phương châm làm thì không chơi của mình. Rồi anh xin phép ông chuyển công ty của anh đi. Tiếc lắm cái vị trí đông    khách  nhưng phải đi. Rồi anh vào Sài Gòn. Mang theo cô tình nhân. Kể ra để cô ở lại quản lý chi nhánh Hà Nội cũng được, nhưng anh biết mình là người đào hoa. Vào trong ấy mà không có cô, anh sẽ phải có ngay cô khác. Thế là gây ghen tuông tranh giành rắc rối. Chỉ còn cách đưa cô đi cùng. Họ đã chung sống như vợ chồng ở Hà Nội từ khi cô tốt nghiệp. Nhưng vào Sài Gòn anh để cho cô trông coi hoàn toàn công ty du lịch còn anh đổi sang làm việc khác. Nhân tình nhân ngãi không thể cùng một cơ quan. Chơi thì không làm. Chơi và làm luôn rạch ròi phân rẽ. Tách bạch ra thì làm có hiệu quả mà chơi cũng tưng bừng.

2.

Tiếp xúc nhiều với giới văn nghệ sĩ, anh biết họ ngây thơ và là một bồ hoang tưởng. Chỉ có một tí ti năng khiếu ghép vần từ là tưởng mình thi sĩ hạng nhất. Chỉ có tí ti năng khiếu bôi màu vung vài nét nguệch ngoạc là tưởng mình họa sĩ đại tài. Mới làm vài cái phim được báo chí khen đã ngỡ mình là đạo diễn điện ảnh hàng đầu. Đám văn nghệ sĩ ấy nếu ở Hà Nội là ngồi quán nước vỉa hè cũng giở chuyện ní nuận ní sự. Đám ấy ở Sài Gòn không ní nuận ní sự nhưng âm thầm bí hiểm tự coi nghệ thuật là một thứ bizinít. Làm ăn. Làm ăn thôi. Ai mạnh người ấy làm có gì mà phải bàn bạc. Nghệ thuật là riêng lẻ khỏe ăn. Gặp nhau chỉ có nhậu xong rồi ai đi đường nấy mà làm bizinít của mình. Thế là vẫn hoang tưởng mình thuộc loại kẻ mạnh trong nghề.

Qua  dăm cuộc  nhậu  với đám văn  nghệ,  anh  biết  mình  có  cách  kiếm lợi  từ họ  mà  vẫn không bị chìm đắm với họ. Vẽ thì phải bày tranh để bán, anh mở phòng tranh gelơri cho họ đến thuê. Viết thì phải in sách phải bán, anh mở nhà sách cho họ ký gửi. Anh mở công ty dịch vụ văn hóa nghệ thuật. Phong trào làm ca sĩ bình dân làm diễn viên điện ảnh đang bừng bừng. anh mở dịch vụ đào tạo ca sĩ đào tạo diễn viên. Người hoang tưởng phim ảnh thì làm dịch vụ điện ảnh, thuê máy móc thiết bị nước ngoài, cần thì cho tráng phim hòa âm làm hậu kỳ ở nước ngoài luôn. Phim làm ra không ai xem không phải lỗi của anh. Đứa nào ngu đứa ấy chết. Ca sĩ đào tạo xong lăng xê không lên nổi. Diễn viên đào tạo xong được giải triển vọng nhưng chỉ đóng vai chạy cờ. Đứa nào hoang tưởng đứa ấy chết. Tiền dịch vụ thì anh thu rồi.

Anh chứng kiến bao nhiêu trò bi hài. Những đạo diễn hàng đầu mặt lúc nào cũng đăm đăm kênh kiệu như ông lớn Trương Nghệ Mưu nhưng khi gặp những đại gia như anh là chỉ tìm cách xin tiền. Hót rất hay. Kịch bản của tôi hết sảy. Tay nghề đạo diễn của tôi số một Việt Nam ngang tầm thế giới. Chỉ thiếu tiền đầu tư. Anh bảo:

– Phim của cường quốc điện ảnh Iran đâu cần lắm tiền, toàn phim ngân sách thấp.

Đạo diễn bảo tại kỹ thuật non kém của ta làm hỏng phim tôi. Anh bảo:

– Phim Iran không cần kỹ xảo hoặc máy móc tinh vi. Mà các ông cũng có thể thuê máy móc xịn, có thể làm hậu kỳ ở nước ngoài rồi đấy thôi. Cảnh đánh nhau trên không các ông làm như trò chơi gêm của trẻ con.

Đạo diễn quay ra đổ cho cơ chế duyệt phim. Người duyệt thị hiếu môve gu hay bắt bẻ như có tiền sử bệnh đao. Anh bảo:

– Thời chế độ độc tài Côlômbia có ông lớn Máckét. Iran có sự hà khắc tôn giáo vẫn ra một nền điện ảnh mà Âu Mỹ còn phải sợ toát mồ hôi.

Nói đến đây anh thoáng nghĩ tới việc toát mồ hôi của mình. Khác nhau. Mà cũng chẳng khác.  Cũng  coi  như  điện  ảnh  Âu  Mỹ  toát  mồ  hôi  vì  họ  đang  thèm  muốn  Iran. Hoang tưởng đầy mình thì không bao giờ thèm muốn được bẳng ai. Chỉ có kẻ điếc mới không sợ súng. Bệnh tâm thần tưởng mình là vĩ nhân biến họ thành những con thiêu thân suốt một đời. Những sản phẩm tầm tầm tung ra mình tự nhấm nháp cái vĩ đại của mình.

Đổ tại mọi thứ, đổ tại không gặp thời, rút lại chỉ một điều đơn giản thì không dám thừa nhận: bất tài. Đạo diễn lúc nào cũng lải nhải phim này của tôi mà ra được thì các liên hoan phim quốc tế phải choáng.

– Thì cứ làm phim đi. Tôi sẽ làm dịch vụ cho.

Chấm hết. Phim chưa làm đã biết số phận của nó rồi. Chẳng dại đầu tư cho những kẻ bất tài. Ông thu tiền dịch vụ là phần của ông xong. Đứa nào phải bán nhà, đứa nào bị chửi là đốt tiền dân nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, đứa ấy chết. Ông không chết.

Thì anh đã biết trước. Phim làm ra cúng cụ báo chí nô nức kẻ khen người chê. Đạo diễn được thổi vênh vênh vang vang như thể anh đã sai lầm vì không chịu đầu tư. Phim được thổi, đạo diễn thở phào vì không bị mang tiếng lấy tiền đóng thuế của dân phục vụ kẻ bất tài. Đạo diễn chủ nhiệm mỗi người xây được biệt thự mua được trang trại nhờ làm phim. Chỉ có điều phim không ai xem. Điên mới xem. Một câu chuyện giả tạo từ đầu đến cuối. Những  triết  lý  cao  thượng  giả  dối.  Những  nhân  vật  ra  vào  phim  như  đi  chợ  bất  chấp lôgích, vào tự nhiên ra mất hút. Lăn lộn chiến hào mấy chục ngày đêm, chiến sĩ ta xông lên mặt sạch sẽ quân phục tinh tươm. Mưa rơi dàn hàng ngang bèn bẹt bên ngoài cửa sổ. Bão lốc thổi cát mù trời làm xiêu vẹo căn nhà lá nhưng những ngọn cây phía xa vẫn đứng im  phăng  phắc.  Quân  thù  đuổi  nhau  thì  chạy  như  giả  vờ,  kẻ  chạy  thì  dùng  dằng  chạy chậm đợi người đuổi, sợ chạy nhanh quá ra khỏi khuôn hình mất toi. Bắt được nhau rồi thì giằng co giả vờ đánh nhau vật lộn giả vờ, sợ làm đau kẻ thù. Anh xem phim cười ha hả như xem hài kịch Đời cười. Êkíp làm phim tím mặt vì thằng dịch vụ đểu.

Cho đến một ngày thằng con anh đang học lớp tám hở ra cái ý lớn lên làm ca sĩ diễn viên. Rợn tóc gáy. Anh chỉ cho nó cái bà bán tạp hóa ở con hẻm ngay gần nhà. Ca sĩ tiếng tăm một thời đấy. Bây giờ là bà bé bự mặt sủi cảo nói năng đồng bóng. Cười như xé vải. Bồ bồ tui nói cho bồ biết nghe các chương trình biểu diễn kỷ niệm lễ lạt hổng có thiếu được tui đâu nghe. Quanh năm cứ sắp đến ngày lễ là giở áo dài ra là ủi cẩn thận, xức nước hoa cẩn thận, bồn chồn ra ngóng vào trông có cú điện thoại mời đi ca. Hổng có điện thoại. Hổng có người đến mời. Bồ bồ tui phải lên Sở tui nhắc nhở người ta. Coi chừng người ta đánh mất số điện thoại của tui, coi chừng người ta gọi điện vào lúc đường dây trục trặc nghe bồ. Ai cũng gọi bồ bồ. Thằng con anh đi qua bà cũng gọi bồ bồ. Nó rất sợ hai tiếng bồ bồ, nghe như có ai liệng hai món đồ vào đầu nó. Đồ đồ. Một hôm nó đi qua bà lại bồ bồ, cùng lúc bà với tay lấy một món đồ treo trên dây, vướng tay làm rơi bộ tóc giả. Trơ ra cái đầu trọc lốc bóng lộn. Như bọn đầu trọc phát xít mới.

Thế là anh đem bà bồ bồ ra làm ma nhát nó. Tương lai của ca sĩ đấy. Anh không sợ cái nghèo. Nghèo mà có đầu óc có chí là thoát được nghèo. Anh sợ nó dính vào văn nghệ là đời nó mê man mê sảng. Văn nghệ là ma túy của nhân dân. Tỷ lệ người cai nghiện ma túy thành công là một phần vạn. Đi vào ngon lành đi ra tan nát. Bập vào rồi dính vào rồi là đắm chìm trong mông lung. Không sáng suốt mà học hành được nữa. Không tỉnh táo mà làm ăn được nữa. Cùng lắm thì thành nghệ sĩ này nghệ sĩ nọ, nổi danh mà không bao giờ tới được bậc thềm của nghệ thuật. Mãi mãi chỉ là nghệ sĩ bình dân. Cò con. Thôi thì bình dân cũng được, nhưng cái anh sợ là con mình vì thế mà mông lung hoang tưởng. Một đời người tỉnh táo, được hưởng cái gì cảm nhận đúng cái ấy. Mắc bệnh hoang tưởng nghệ sĩ, mình còn chẳng biết mình là ai, thì thế giới xung quanh đều chỉ nhìn qua một màn sương mù của kẻ lệch lạc.

Thế  giới  xung  quanh.  Đấy  là  điều  anh  hướng  tới.  Một  thời  người  ta  trong  ao  tù  nước đọng, ếch ngồi đáy giếng thấy bầu trời chỉ bằng cái vung. Đến lúc thả cho ra thì choàng ngợp. Nói với thế giới bên ngoài thì không ngoại ngữ. Nhìn người bên ngoài thấy nó cao hơn một cái đầu. Thế là sợ thế là tự ti. Không sợ không tự ti thì cao ngạo vô lối, ta là một là riêng là thứ nhất, ta chẳng việc gì phải học ai, ta có bản sắc riêng văn hóa của riêng ta. Không. Con anh không thể nhập đám ếch ngồi đáy giếng, con anh phải được hội nhập với bên ngoài, nó phải theo đúng hướng trở thành công dân thế giới. Anh tìm trường tốt thầy giỏi cho con. Không phải vô cớ mà anh mang nó vào đây kèm cặp. Mẹ nó vẫn ở ngoài quê quản lý mấy quả đồi đang hái ra tiền. Bán đi vài quả đồi cho người ta làm trang trại là đủ hỗ trợ kinh doanh cho anh. Anh thuê thầy dạy tiếng Anh cho con trai. Rồi anh vào học cùng để có thể theo sát con. Thằng bé rất khá. Hết lớp mười một nó thi được học bổng sang học hai năm cuối phổ thông ở Úc. Hết phổ thông nó lại lấy  được  học  bổng  đại  học.  Tổng  cộng  năm  năm  ông  con  tốt  nghiệp  lại  quay  về  kinh doanh cùng với ông bố.

Ngày con sang Úc đi học, anh thân chinh đưa con sang tận nơi. Anh không như người ta, gửi con vào tay các tổ chức các công ty du học là xong. Anh phải trực tiếp đi xem trường sở nơi ăn chốn ở thế nào. Vũ khí tiếng Anh đã trang bị tận răng. Mấy năm con học chữ nào là bố học chữ ấy. Bố khôn ngoan sáng láng, một đời chưa đi học chính quy nhưng một đời khao khát làm sinh viên. Thành ra học cũng nhanh cũng giỏi. Anh sang xứ lạ vẫn có cảm giác cá bơi trong nước.

Sang đến nơi mới tận mắt thấy mấy ông choai choai đi du học tự túc. Tự nhủ mình đích thân đưa con sang tận nơi là không sai lầm tí nào. Đám du học tự túc một phần là con các ông lớn, các quan đầu ngành đầu tỉnh, có tí tiền bớt xén dự án về địa phương về ngành là cho con đi du học. Các ông bà đại gia giàu xổi mới phất tiền để làm gì không cho con đi du học. Con học trong nước không ra gì là cho du học, sang đấy thầy giỏi trường giỏi nó sẽ giỏi. Con bảo không được là cho du học, môi trường tốt bạn tốt nó sẽ thành người tốt. Ai cũng nghĩ vậy. Cho nên toàn những ông những bà học không được bảo không được sang đến nơi gặp nhau. Tụ bạ đàn đúm với nhau. Dăm bảy đứa thuê chung một nhà, từ tầng một đến tầng hai tầng ba, mỗi đứa một phòng. Tiện. Đứa định cư bảo đứa mới sang. Đứa sang trước bảo đứa sang sau. Dễ hẳn. Không phải bơ vơ ngơ ngác những ngày đầu. Tiếng Anh còn yếu thì ta cụm với nhau, ba thằng dại hợp lại thành thằng khôn tục ngữ Việt  Nam.  Thực  hành  tiếng  Việt  thay  cho  luyện  tiếng  Anh.  Sau  một  năm  sang  nước người, trình độ tiếng Việt nâng cao trông thấy. Cụm lại. Chơi gêm, tán chuyện, đánh bài đánh bạc. Đánh bài thích của lạ thì đến sòng, có đứa một đêm nướng cả dăm bảy nghìn đô. Vô tư đi đã có hậu phương lớn chi viện. Đánh bài bình dân đậm đà bản sắc dân tộc thì chơi lô chơi đề, dịch vụ cộng đồng gốc Việt có sẵn. Thắng thua cũng đến cả nghìn đô.

Chơi bời hoan hỉ thâu đêm suốt sáng. Ngày rộng tháng dài. Thực hành tiếng Việt đến mức điêu luyện. Tiếng Anh chỉ cần đủ hiểu thực khách yêu cầu khi ta làm bồi tiệm ăn Việt. Chỉ cần đủ hiểu khi ta thu nhặt xe đẩy trong siêu thị, lau cửa kính nhà trường cửa hàng công sở. Tiền làm thêm chỉ để chi tiêu lặt vặt, cũng coi như đủ sinh hoạt phí. Học hành lờ phờ như vậy, một vài năm không theo được thì bỏ học ở nhà luôn. Không tự ý bỏ học thì hỏng thi nhiều trường cũng đuổi. Ở nhà. Vẫn đi lao động giản đơn đủ sống. Lâu lâu viết thư về cho cha mẹ. Con lên năm thứ hai rồi. Con lên năm thứ ba rồi. Học hành ở đây căng thẳng nghiêm chỉnh lắm, không phải học hành ba lăng nhăng như ở nhà. Học phí năm nay cũng cao hơn. Khéo đào mỏ thì được vạn đô. Không khéo bằng thì chí ít cũng được dăm bảy nghìn. Đủ ăn đủ chơi. Đi làm bồi cửu vạn siêu thị là để giao lưu hòa nhập xã hội.

Không phải toàn bộ đám thi được học bổng đều tử tế. Cũng không phải toàn bộ đám du học tự túc đều vớ vẩn. Nhưng được du học mà không phải mất công thi lấy học bổng, du học lại bằng tiền cha mẹ, tiền ấy cha mẹ lại kiếm được qua những con đường không ngay thẳng, thì cuộc đi tắt theo cái vòng tròn lại trở về vị trí ban đầu. Của thiên lại trả địa. Ngồi tụ bạ giết thời gian ở xứ người còn là hiểm họa nhỏ. Bao nhiêu cái họa lớn đang chờ. Con mình rời đất nước ra đi mặt trắng môi đỏ hồn nhiên. Con mình khi đón về hoặc sang tận nơi bắt về thì mặt xám môi thâm. Hút hít chích choác. Chui lủi trốn tránh cư trú bất hợp pháp sau khi bị trường đuổi. Đứa định cư cung cấp nguồn hàng cho đứa mới sang. Đứa sang trước cung cấp cho đứa sang sau.

Anh dẫn con đi thuê nhà, tránh bằng xa khu định cư của người gốc Việt. Thật xa khu thuê nhà của bọn du học tự túc. Đến thuê nhà khu Đại lộ Đại học ngay trong trường. Hơi đắt tí nhưng đảm bảo tránh được mấy chú người Việt, con mình ở với chúng nó suốt ngày thực hành tiếng Việt cho tiếng Anh cùn mòn đi. Tìm được phòng ở tầng một. Bốn phòng xung quanh  đều  là  sinh  viên  Úc  và  nước  ngoài.  Năm phòng  chung  nhau  một  phòng  tắm vệ sinh, chung phòng ăn và một nhà bếp. Tốt. Cô chủ nhà mau mắn hồ hởi. May quá. Anh sang nhà cô ta ở ngay bên cạnh để làm thủ tục đóng tiền. Thấy ngay là người đàn bà nuôi con một mình này mê anh. Cô ta cứ lúng liếng trì hoãn việc ký hợp đồng và nhận tiền đặt cọc. Rồi nói hẳn hoi đây là lần đầu tiên cô gặp người Việt Nam nhưng rất có cảm tình. Rồi hỏi chuyện ở Việt Nam có nhiều cô gái nuôi con một mình không, trai gái có sống chung không cần kết hôn không. Bầu không khí bỗng chốc căng ra. Anh hình dung mình sắp đi vào phòng ngủ với người đàn bà này. Được thôi. Không run nhưng mồ hôi toát ra đầm đìa. Không được. Đây không phải là chỗ để chơi.

Cuối cùng anh dứt khoát đứng lên. Thoái thác là phải đi xem thêm một vài nơi nữa để có thêm lựa chọn. Nói như thế tức là anh không quay trở lại. Không thể cho con mình thuê nhà ở đây. Kiểu đàn bà như thế, xong chuyện với bố thì sẽ nảy ra chuyện với con trai. Gửi cháu vào tay cô, biết bao nhiêu người đã sa vào cái bẫy ấy rồi. Cô là bạn của mẹ, con ra nước ngoài mẹ gửi con nhờ cô trông nom. Cô cô cháu cháu rồi cô đưa cháu lên giường cô từ lúc nào, rồi về sau cô quay lại gọi bạn cô là mẹ chồng. Gửi cháu gái cho người đáng tuổi bác tuổi ông tưởng là yên tâm, rồi chuyện cũng không yên như muôn đời kiếp người vẫn thế. Anh thì biết lắm. Hai người khác giới dù có khoảng cách xa vời về tuổi tác về địa vị thì bao giờ cũng như lửa với rơm. Lửa gần rơm lâu ngày phải bén. Con anh anh không biết giữ thì anh phải dạy cho nó khả năng giữ mình. Nếu không giữ được thì thôi chớ  có  gửi  gắm  vào  tay  ai.  Không  cô  không  chú  không  bác  không  ông  nào  cả. Sau rốt anh cũng tìm được một nhà vừa ý. Chung với mấy sinh viên nước ngoài. Ông chủ nhà là người làm ở tòa án đã về hưu. Lâu lâu ông lại viết thư điện tử thông báo tình hình con trai anh. Chu đáo. Ông hài lòng và anh cũng hài lòng. May mắn. Con anh cứ thế học hành mà nên người.

Nhân nói chuyện không nên gửi gắm ai cho ai. Quan hệ ngày trước của anh với hai cô sinh viên cũng vậy. Một cô là tình nhân có hợp đồng thì khỏi nói. Cô kia cũng được anh trợ giúp tài chính. Lý do đưa ra là anh coi cô như em gái. Nhưng theo cách nghĩ của anh thì chỉ có đàn ông và đàn bà, không anh nuôi em nuôi, không cô nuôi cháu nuôi, không ông nuôi bác nuôi. Bao nhiêu lần cô nhân tình giận dỗi, nhưng bỏ đi rồi quay lại vì vẫn còn ràng buộc hợp đồng. Có đôi lần cô Mơ Khô cũng giận anh, nhưng giận rồi làm lành, hai bên vẫn bám lấy cái danh nghĩa anh nuôi em nuôi. Thế mà cái tình anh em kết nghĩa ấy cũng qua được thử thách mười sáu năm. Đến hôm nay gặp nhau trong căn hộ này thì nó khép lại cái vòng tròn tất yếu mà một người đàn ông và một người đàn bà phải khép lại. Thế là không bao giờ có tình bạn thật sự giữa đàn ông và đàn bà. Chỉ có vấn đề thời gian. Thời gian không dứt điểm được thì cần nhiều thời gian. Mười lăm năm họ vẫn là bạn là anh em kết nghĩa, nhưng sang đến mười sáu năm đã chuyển lượng thành chất. Dù anh có vô tư thì suy cho cùng bằng ấy năm cũng giống như một cuộc mai phục bền bỉ. Chờ bằng được cho đến hôm nay. Thời điểm chín muồi. Ngày ấy chị chỉ là một cô sinh viên khô khan ngơ ngác. Bây giờ chị đã là một quý phu nhân. Chị bước từ xe xuống là bao nhiêu cán bộ nhân viên văn phòng sốt sắng chào chị thưa chị chị đã đến. Nhưng trong vòng tay anh, chị vừa là cô bé ngày xưa vừa là quý phu nhân. Vừa gần gũi vừa lạ lẫm. Cái lạ kích động hiếu kỳ. Tham quan những lâu đài cổ châu Âu, du khách sao cũng có người lừa lúc nhân viên bảo tàng sơ ý để sờ tay vào vật trưng bày. Treo biểu không được sờ vào hiện vật bởi vì vật ấy đã có người sờ và nhiều người muốn sờ. Treo biểu không được ngồi lên hiện vật là người ta sẽ thử ngồi. Ngai vàng của vua chúa hoặc cái ghế tổng thống trong Nhà Trắng chẳng hạn.

Gặp lại chị lần này không chỉ có niềm vui gặp lại. Không chỉ có cảm giác một người đàn ông và một người đàn bà. Anh có đúng cảm giác của một khách tham quan vừa thử ngồi lên cái ngai vàng. Suy cho cùng thì nó cũng chỉ là một, bình dân ngồi lên thì người ta gọi cái ghế, vua chúa ngồi thì gọi là cái ngai.

3.

Anh có cái thú phiêu du trên mạng. Mấy năm trời học tiếng Anh cùng với con trai đủ cho anh vẫy vùng trong mạng. Một cái đại dương kỳ thú. Một rừng rậm nhiều động thực vật lạ lùng. Một cái chợ giời nhiều kẻ lừa lọc nhiều rác. Một giới trí thức mạng rất mực bình  dân.  Một  kho  lưu  trữ hàng  tưởng  là  có  sắp  xếp  phân  loại  thực  ra  lại  hỗn  độn  vô cùng. Cứ việc tự nhiên sục vào cái kho ấy nếu cần kiến thức cho một bài thi, một bài viết, một bài phát biểu. Tìm được bài chỉ việc nhanh chóng copy rồi paste là xong. Của người đã là của mình. Cái ưu việt của làng toàn cầu. Cái ưu việt của ta là công dân làng toàn cầu. Công dân mạng. Thế kỷ XXI không biết tiếng Anh không biết vi tính được coi là mù chữ. Biết thì chỉ cần hơi lanh hơi láu một tí ta đã thành trí thức.

Anh đã sung vào đội ngũ trí thức tự bao giờ. Có danh hẳn hoi. Ban đầu chỉ là sục vào mạng tìm những bài viết về hội họa hiện đại. Chuẩn bị cho việc giới thiệu phòng triển lãm của mình. Nhờ mãi tay họa sĩ trồng chuối cũng bất tiện. Anh ta cũng phải giữ mánh riêng cho nhóm Ngũ Hổ, không phải có cái gì cũng dốc tuột. Anh phải tự tìm được trên mạng bài về hội họa về sắp đặt về biểu diễn. Mày mò dịch ra tiếng Việt. Copy từng đoạn paste vào bài viết của mình. Bài viết Tây hẳn lên sang hẳn lên. Tờ rơi tờ gấp giới thiệu triển lãm mang tầm vóc khác. Dần dần anh dịch những bài lý luận hội họa. Dịch mãi thì chuyển sang tóm lược bài nước ngoài, viết thêm dăm câu ba điều của mình liên hệ thực tế trong nước. Tóm lược mãi đi đến chỗ lấy ý của người rồi viết thành bài của mình. Anh đã thành tác giả. Một nhà lý luận hội họa mới ngang ngửa với họa sĩ trồng chuối. Trường phái Sài Gòn đối trọng trường phái Hà Nội.

Muốn là thành viên giới trí thức mạng chỉ cần nhanh một tí khéo một tí. Đống kiến thức xốp nổi váng mỡ bọt bèo ta phải biết gạt ra tìm vào góc khuất. Nói đến hội họa mà chỉ nhắc Lêônácđô Đa Vinxi thì chỉ là bậc tiểu học. Biết Lêvitan, Van Gốc, Gôganh là bậc trung học. Biết đến Đali, Klim, Sagan coi như đại học. Siêu thì phải nhắc đến tác phẩm và phương pháp luận của Uây Calin, Gioóc Êvan, Giăng Clốtxơ Buốcbông. Những tên tuổi đương đại mà xứ ta chưa ai kịp biết tên. Chưa biết tên thì nghe tên đã hoảng rồi, đâu có cùng kênh mà bình tĩnh tranh luận đôi hồi. Tóm lại anh chỉ việc tung ra những kiến thức mạng intơnet là đem đến ấn tượng một nhà phê bình nghệ thuật kiến thức sâu rộng. Không chỉ sâu rộng mà còn là kiến thức đương đại.

Trong một cuộc hỗn chiến giữa các ông bầu phòng tranh, một kẻ tung ra cái ý anh chỉ là một nhà phê bình đi tắt. Giỏi à, giỏi thì hãy bắt đầu từ những thao tác cơ bản, ông hãy đi từ lý luận cơ bản để phân tích những danh họa cổ điển. Hãy bắt đầu thao tác lý luận từ Lêônácđô Đa Vinxi tiểu học, Van Gốc, Gôganh trung học rồi sau đó hẵng tiến đến xa vời siêu đại học. Chạm vào cái cơ bản thì những kẻ học tắt lấy kiến thức từ mạng sẽ toi ngay.

Thâm tâm anh hiểu đối thủ phòng tranh kia có lỳ. Hắn cũng là thủ lĩnh của một nhóm họa sĩ, hắn là đối thủ đáng gờm. Anh thực ra chỉ là ông bầu phòng trưng bày. Cao hơn tí nữa anh  là  người  thưởng  thức  hội  họa  có  thể  bơi  lội  nhẹ  nhàng  trong  cái  biển  tiếng  Anh intơnét. Nhưng anh cũng đã kịp gây tên tuổi nhà lý luận phê bình trong làng văn nghệ.

Đạt được đến cái danh vị ấy thì bắt đầu thấy người xung quanh vụng về thiếu khả năng diễn đạt. Dân ta không phải là dân hùng biện. Những xứ sở triết học mới có dân hùng biện. La Mã, Hy Lạp, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ. Một bà nông dân Ấn Độ có thể trả lời phỏng vấn truyền hình bằng một tràng liên thanh ngôn từ lưu loát. Nói liền ba mươi phút không nghỉ không vấp. Đằng này dân ta phần nhiều đều vấp phải chuyện diễn đạt bằng ngôn ngữ. Một nhà nghiên cứu có thể chỉ khôn ngoan trong bài viết, nhưng phải trực tiếp truyền đạt thì ăn không nên đọi nói không nên lời. Một nhà văn có thể diễn đạt tối nghĩa thậm chí sai hẳn cả ý mình. Chuyện nói năng của các cô hoa hậu gây cười một phần là thiếu kiến thức, phần rất quan trọng là vì diễn đạt. Bạn sẽ làm gì ngay sau khi đăng quang hoa hậu? Em kính thưa ban giám khảo, nếu em đăng quang hoa hậu, việc đầu tiên là em sẽ hiến thân cho người nghèo trong xã hội.

Anh mở dịch vụ đào tạo diễn thuyết. Không gọi là đào tạo MC người dẫn chương trình, tầm thường quá, phải là đào tạo diễn thuyết. Đối tượng là công chức, cán bộ, thậm chí là nhà quản lý đầu ngành. Ban đầu chưa thành lớp thì dưới hình thức đi nói chuyện cho các cơ quan công sở về lịch sử diễn thuyết. Minh họa bằng kỹ năng trong một số hoàn cảnh. Anh rất thích những lập luận xoay vòng theo kiểu phê phán sự phê phán có tính chất phê phán sự phê phán. Giữa trái đất và một nền văn minh bên ngoài trái đất phải có sự truyền thông điệp trên cơ sở tôi biết là họ biết là tôi biết là họ biết tôi muốn liên lạc với họ. Giữa một mớ bòng bong ta phải luôn vững vàng đứng ở trọng tâm, không bao giờ để mình tự mắc lưới bùng nhùng của mình, gây rối cho mình. Luôn luôn tự tin khi nói nhầm, điều ta vừa buột miệng nói nhầm một cách tự tin sẽ được tiếp nhận là đúng. Ngụy biện luôn cần thiết nhất là khi đối diện với công chúng.

Em nghe nhé, anh đã nói chuyện với rất nhiều cán bộ đầu ngành về nghệ thuật diễn thuyết. Ban đầu phải luyện thanh uốn phát âm cho họ. Galilê ngày trước nói lắp còn phải ngậm viên sỏi dưới lưỡi để luyện cho lưu loát. Vấn đề ở chỗ không phải là vấn đề mà chỉ là một khía cạnh của vấn đề hùng biện.

Chị nhìn anh say sưa vung tay nói. Không có vẻ của người nhập đồng tâm thần. Một nhà hùng biện thật sự.

– Nhưng người luyện nói bằng viên sỏi không phải là Galilê mà là Brunô. Em thấy không, chỉ cần ta nói một cách lưu loát tự tin thì điều ta nhầm cũng được tiếp nhận không gây ngờ vực. Đấy là thuật hùng biện.

Không hề tâm thần. Một cái gì đó xa hơn tâm thần. Một cơn vĩ cuồng không rõ bằng chứng. Không triệu chứng nào phơi lộ. Anh diễn đạt điều ấy bằng một giọng bình thản hoàn toàn, lành mạnh hoàn toàn. Nhưng chị vẫn mơ hồ cảm thấy rờn rợn.

còn tiếp 

Bấm vào MƯỜI LẺ MỘT ĐÊM để xem những phần tiếp theo 

* MỤC LỤC – KÝ TỰ

*MỤC LỤC  – KÝ TỰ M

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 4, 2013 in M

 

Nhãn: , , , , , , ,